Thời Tấn Văn công Tiên Chẩn

Tiên Chẩn bắt đầu xuất hiện trong sử sách từ thời Tấn Văn công. Cuối năm 633 TCN, Tấn Văn công lập 3 đạo quân, thì Tiên Chẩn và Loan Bá chỉ huy đạo hạ quân.

Sở Thành vương mang quân bao vây nước Tống. Tống Thành công sai Công Tôn Cố mang hậu lễ sang cầu viện nước Tấn. Đầu năm 632 TCN khi Tấn Văn công chưa ra quân thì Khước Hộc qua đời, Tấn Văn công bèn cho Tiên Chẩn làm trung quân nguyên soái[1]. Tấn Văn công hỏi ông:

Nước Tống lại đến cầu cứu, nếu bỏ không cứu thì hai bên tuyệt giao; mà đòi Sở giải vây thì nước Sở không chịu. Nếu đánh nhau với Sở thì Tần và Tề không ủng hộ. Vậy phải làm thế nào?

Ông hiến kế cứu nước Tống đánh Sở với Tấn Văn công:

Hãy đánh nước Tàonước Vệ. Tào, Vệ là đồng minh của Sở, thế nào Sở cũng phải mang quân lại cứu, có thể giải vây cho Tống. Lễ của nước Tống mà ta lấy thì mất đi nhân nghĩa vì nhận của mới cứu người, nên sai sứ Tống mang bớt lễ sang cho Tề và Tần nhờ nói hộ với nước Sở. Nếu Tề và Tần nói mà Sở không nghe thì Tề và Tần sẽ sinh hiềm khích với Sở.

Tấn Văn công theo kế Tiên Chẩn, bèn dẫn cả ba đạo quân đi đánh nước Tào là chư hầu theo Sở, đồng thời báo thù việc đối xử không tốt của Tào Cung công trên đường lưu lạc trước đây. Tấn Văn công định mượn đường nước Vệ nhưng Vệ Thành công không cho, vì vậy chuyển sang đánh nước Vệ trước, đánh chiếm thành Ngũ Lộc.

Vệ Thành công cầu Sở Thành vương cứu nhưng người trong nước không ủng hộ, bị đuổi phải chạy ra đất Tương Ngưu. Công tử Mãi nước Vệ chiếm giữ nước Vệ xin hòa với nước Tấn. Tấn Văn công cho Vệ giảng hòa rồi mang quân đánh Tào. Quân Tấn vây hãm nước Tào trong 3 tháng, cuối cùng chiếm được thành, bắt sống Tào Cung công.

Quân Sở vẫn chưa giải vây nước Tống. Tấn Văn công từng có ơn với cả vua Tống và vua Sở trên đường lưu lạc nên phân vân khó xử chưa biết ủng hộ bên nào. Tiên Chẩn hiến kế:

Ta hãy bắt nước Tào và nước Vệ cắt đất cho nước Tống khiến vua Sở phải giải vây Tống sang cứu Tào và Vệ.

Tấn Văn công theo kế, quả nhiên hai nước Sở Thành vương rút quân khỏi nước Tống, muốn rút về nước và giảng hòa với Tấn. Nhưng tướng Sở là Thành Đắc Thần không đồng tình, nhất định đòi giao tranh với quân Tấn. Sở Thành vương giận Đắc Thần, chỉ cấp cho ít quân, còn mình trở về nước.

Thành Đắc Thần sai sứ là Uyển Xuân đến gặp Tấn Văn công, đề nghị phục ngôi cho vua Tào và vua Vệ thì quân Sở sẽ thôi đánh Tống. Tướng Tấn là Tử Phạm cho rằng quân Sở vô lễ và nên đánh. Tiên Chẩn lại hiến kế:

Ta hãy ngầm giao hẹn với vua Vệ và vua Tào sẽ phục ngôi cho hai người nếu họ tuyệt giao với nước Sở và theo ta. Mặt khác lại bắt giam sứ giả nước Sở để quân Sở tức giận đánh ta trước.

Tấn Văn công lại làm theo, vua Vệ và Tào bằng lòng thần phục nước Tấn, tuyệt giao với nước Sở. Cùng lúc đó Tần Mục côngTề Hiếu công nhận lễ của nước Tống cũng sai sứ sang nói với Thành Đắc Thần hộ nước Tống. Thành Đắc Thần thấy sứ giả bị bắt, còn hai nước đồng minh Vệ và Tào lại cắt đứt quan hệ nên rất tức giận, không theo lời thỉnh cầu của sứ Tần và sứ Tề, rồi thúc quân tiến lên giao chiến.

Tháng 4 năm 632 TCN, hai bên đánh nhau to ở Thành Bộc. Quân Tấn có quân Tề, Trần, Tống trợ chiến, đại thắng quân Sở. Thành Đắc Thần mang tàn quân tháo chạy.

Sau trận Thành Bộc, Tấn Văn công xác lập địa vị bá chủ chư hầu.